Bên cạnh cúng ông Công ông Táo tại nhà thì các văn phòng, công ty, doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị lễ cúng Táo Quân để thể hiện lòng thành. Vậy lễ cúng ông Công ông Táo ở văn phòng cần những gì? Bài cúng như thế nào là chuẩn nhất? Tham khảo ngay thông tin dưới đây sao cho đúng phong tục mà ai cũng nên biết.
Tục cúng ông Công ông Táo
Theo tín ngưỡng dân gian từ bao đời, bất kỳ gia đình nào cũng có phòng bếp. Và trong căn bếp mỗi nhà đều có thần Táo quân trông nom cuộc sống của họ. Táo quân gồm 3 vị định đoạt phước đức cho mỗi gia đình là 2 Táo ông và 1 Táo bà.
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ sửa biện mâm lễ nhỏ để tiễn Táo quân lên thiên đình. Mâm cỗ cúng Táo quân không cần cầu kỳ nhưng phải trang trọng, chu đáo, thể hiện tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
Có nên cúng ông Công ông Táo ở cơ quan không?
Việc cúng Táo Quân ở mỗi gia đình là nên vậy cúng ông Công ông Táo ở văn phòng có cần thiết? Có hai quan niệm được đưa ra trong vấn đề này. Một bên cho rằng, Táo quân là thần Bếp chỉ nên cúng ở nhà, còn ở cơ quan là nơi làm việc, không có nấu nướng thì không cần cúng. Một bên khác lại quen niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nên cúng Táo quân dù ở cơ quan. Vậy hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng?
Nếu cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện, cả về thời gian lẫn không gian thì nên cúng Táo quân tại đơn vị. Vấn đề cúng ông Công ông Táo cần xuất phát từ cái tâm và lòng thành của mỗi người. Dù không ai bắt buộc ai nhưng cúng thì tốt, không cúng cũng không sao.
Bởi lẽ ông Công, ông Táo bao gồm 3 vị thần cai quản trong nhà là Thần Bếp, Thần Nhà và Thần Đất. Bất kỳ cơ quan nào cũng đều có trụ sở, có phòng làm việc được xây dựng trên đất nên làm lễ Táo quân để cảm tạ Thần Nhà, Thần Đất đã che chở cho một năm vừa qua. Ngoài ra, có những cơ quan có bếp ăn tại trụ sở để phục vụ nhân viên và đảm bảo an toàn vệ sinh nên việc làm lễ cúng Thần Bếp cũng là điều nên làm.
Ngày làm lễ rước ông Táo về trời
Theo quan niệm của người xưa, lễ rước ông Táo về trời nên thực hiện trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Tùy vào điều kiện của mỗi cơ quan để làm lễ cúng vào ngày 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp đều được. Bạn không nhất thiết phải xem ngày cúng tiễn đẹp, chỉ cần làm lễ để Táo quân kịp về trời báo cáo Ngọc Hoàng.
Cúng ông Công ông Táo ở văn phòng cần chuẩn bị lễ vật gì?
Mâm lễ cúng Táo Quân ở văn phòng cũng bao gồm các lễ vật tương tự nhe cúng ông Công ông Táo ở nhà:
Đồ vàng mã
Bộ vàng mã Táo quân là lễ vật không thể thiếu khi chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo. Bộ vàng mã gồm 3 bộ quần áo, giày và mũ. Trong đó 2 mũ đàn ông (mũ có hai cánh chuồn) và 1 mũ đàn bà (mũ không có cánh chuồn). Mỗi năm tùy theo con giáp ngũ hành để bộ vàng mã có màu sắc phù hợp. Ngoài ra, bạn nên sắm thêm vài thỏi vàng giấy, tiền giấy.
Lưu ý, tùy vào quan niệm của mỗi doanh nghiệp khi cúng ông Công ông Táo ở văn phòng để có thể sắm sửa đồ vàng mã đơn giản gồm một cỗ mũ ông Táo hai cánh chuồn, một áo và đôi hia giấy.
Mâm cỗ cúng
Mâm cơm cúng Táo quân ở cơ quan nên tối giản, không cần câu nệ hình thức. Một số món bắt buộc nên có như:
- Gà luộc hoặc khoanh giò
- Xôi hoặc bánh chưng
- Mâm ngũ quả
- Trầu cau
- Lọ hoa tươi
- Cá chép: Bạn có thể sắm cá chép sống hoặc cá chép giấy đều được. Thông thường sẽ có 3 con chép đỏ để đưa ông Táo về trời. (Đối với doanh nghiệp miền Trung thì thay cá chép bằng ngựa giấy đầy đủ yên, cương. Miền Nam cúng một bộ cò bay, ngựa chạy cắt bằng giấy)
- Muối và gạo
- Rượu và nước
Bài cúng ông Công ông Táo ở văn phòng
Sau khi chuẩn bị mâm cỗ cúng Táo quân tươm tất, doanh nghiệp cần thêm bài cúng đúng chuẩn phong tục. Bạn có thể tham khảo bài cúng cơ bản sau: (Bài khấn dựa theo văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa thông tin)
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương!
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Con kính lạy Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần.
Tín chủ (chúng) con là:……………………… (Tên chủ doanh nghiệp)
Tên doanh nghiệp:……………………………………………….
Ngụ tại:………………………………………………………………. (Địa chỉ cơ quan).
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần, cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ.
Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho: Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, cảm thông xin tấu thực thà. Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Cẩn cáo (vái 4 vái).
Lưu ý khi cúng ông Công ông Táo ở cơ quan
Để buổi lễ cúng ông Công ông Táo ở văn phòng được hoàn thành tốt và thể hiện tấm lòng thành tâm, khi thực hiện, người lãnh đạo cần chú ý những vấn đề sau:
- Mâm cúng không có thịt vịt hoặc thịt ngan
- Không nên khấn xin tài lộc, tránh đề cập vấn đề tiền bạc làm mất lòng thần linh bởi vì Táo quân lên trời bẩm Ngọc Hoàng chuyện tốt xấu trong cơ quan, gia đình.
- Nếu cơ quan có ban thờ thì nên bày lễ trên bàn thờ để cúng. Nếu không có ban thờ thì sửa soạn lễ vật trên mâm hoặc khay sạch và đặt lên bàn trang trọng trong phòng.
- Nên thực hiện vào đầu giờ sáng ngày 23 tháng Chạp hoặc một ngày trước đó là ngày 22 tháng Chạp.
- Sau khi cúng, chờ hương cháy gần hết thì hóa vàng tại nơi được quy định. Nếu không có nơi hóa vàng thì nên hóa tại vị trí đất trống sạch sẽ hoặc trên sân thượng. Sau khi hóa nên dọn sạch tro để không làm bẩn đến môi trường xung quanh.
- Không nên hóa vàng ngay trong phòng làm việc hoặc trong/gần nhà vệ sinh.
- Không dùng nước để dập tắt lửa khi tro chưa tàn hết lửa.
- Khi cúng, dùng 3 con cá chép đỏ đặt trong chậu nước và để gần mâm cỗ. Sau khi cúng nên phóng sinh cá ra sông, hồ trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để “cá chép hóa rồng” đưa ông Công ông Táo về trời. Nên thả cá nhẹ nhàng xuống nước. Không nên tung hất cá từ trên cao xuống. Không vứt rác xuống sông.
- Sau buổi cúng Táo Quân, doanh nghiệp có thể bắt đầu dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, ban thờ, trang trí căn phòng cho ngày Tết sắp đến.
- Làm lễ rước ông Táo về hạ giới, tiếp tục công việc vào trưa 30 Tết.
Với những thông tin trên, hy vọng đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về việc cúng ông Công ông Táo ở văn phòng. Chúc cho doanh nghiệp của bạn có được buổi lễ tươm tất, đầy đủ, thể hiện tấm lòng thành tâm đối với các Táo quân.
>> 10 ý tưởng trang trí Tết văn phòng đẹp nhất 2022
Nội thất nhập khẩu Vito – Vươn tầm kiến trúc Việt!
Bài viết liên quan: